Tại tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” ngày 27/12/2024, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong giai đoạn tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 sẽ là những giai đoạn khá khó khăn đối với cả các nước mà xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn sang Hoa Kỳ nói chung, trong đó có Việt Nam.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã đề cập đến kế hoạch áp thuế toàn cầu 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, và 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo rằng nếu EU không hợp tác trong việc tăng cường mua dầu khí và các nguồn năng lượng truyền thống, hàng hóa xuất khẩu của khối này cũng sẽ phải chịu thuế cao. Điều này cho thấy thuế quan sẽ trở thành một trong những công cụ thương mại trọng yếu mà chính quyền Hoa Kỳ sử dụng trong thời gian tới.
Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico. Tuy nhiên, mức thặng dư này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể đối mặt với không ít khó khăn từ các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ.
Ngoài thuế quan, Hoa Kỳ cũng dự kiến gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, với số lượng các vụ điều tra có thể tăng khoảng 40% so với giai đoạn nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cao sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ – một công cụ được WTO cho phép áp dụng trong những trường hợp nhất định.
Theo đó, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần chủ động:
• Nghiên cứu kỹ các quy định liên quan: nắm rõ quy trình, mốc thời gian nộp tài liệu kiểm chứng và các hồ sơ theo yêu cầu,…
• Xây dựng hệ thống kế toán, lưu trữ chứng từ và thông tin một cách khoa học, hiện đại nhằm sẵn sàng trích xuất khi cần.
• Không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, gia tăng hàm lượng chất xám và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh về giá để tránh rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
• Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu: tránh nhập khẩu từ những quốc gia bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách theo dõi, đồng thời tăng cường nhập khẩu nguyên liệu có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.